CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

 Tơ đồng rỏ máu


phan 10

 Hung thủ vụ án ‘ngón tay khăn máu’ là tên sát thủ vô hình đã ra lệnh cho Nghê Bồi Trung giết vợ rồi tự sát, nếu không phải Mễ Trị Văn thì là đồng bọn của lão. Mục đích của việc giải chữ chẳng phải để tìm ra tên đồng bọn ấy hoặc chứng cứ phạm tội của hắn hay sao? Cho nên ý kiến của Sở Hoài Sơn hoàn toàn hợp logic: tìm hiểu Mễ Trị Văn, càng tường tận về lão thì càng đến gần được tên đồng bọn.

Sở Hoài Sơn: Anh Ba Du Sinh biết rất rõ về Mễ Trị Sơn.

Na Lan: Được! Tôi sẽ liên lạc ngay với anh ấy.

Sở Hoài Sơn: Không cần vội thế đâu… cô… vẫn ổn chứ?

Na Lan cảm thấy anh ta hơi kỳ lạ. Sở Hoài Sơn do dự. Cô đáp, “Vẫn ổn. Anh sao thế?”

Sở Hoài Sơn: Vẫn ổn thì tốt rồi. Không cầu hoàn mỹ, chỉ cầu vẫn ổn.

Kết thúc. Na Lan không nghĩ về ý nghĩa sâu xa trong câu nói cuối cùng của Sở Hoài Sơn nữa, cô định gọi điện cho Ba Du Sinh thì chợt thấy rất mệt mỏi. Và, bây giờ mới nhận ra cô bạn cùng phòng Đào Tử đã ngồi phía sau lưng cô từ lúc nào, mắt đang dán vào màn hình. Cô ngáp dài, nói, “Cậu về khi nào? Sao lại lặng lẽ êm ru thế?”

Đào Tử nhấp chuột luôn, màn hình chuyển sang trang khác, cứ như đang làm gì bí hiểm không muốn cho Na Lan nhìn thấy. Đào Tử vẫn còn đeo tai nghe. Na Lan trêu chọc, “Chắc cậu đang lén xem phim người lớn, không sợ mình báo công an hay sao?”

“Phim người lớn sao phải xem lén? Thích thì mình xem ngay trên lớp ấy chứ!” Đào Tử cười gượng, nói phứa lên để xí xóa sự nghi ngờ của Na Lan.

Nếu lúc này nhắm mắt lại, Na Lan sẽ chỉ nhìn thấy cái bóng xam xám của Nghê Bồi Trung đang rơi, chỉ nghe tiếng kêu thảm thiết của Hồ Thanh. Cô quá mệt nhọc rồi, cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng không dám nhắm mắt để ngủ. Định trò chuyện với Đào Tử nhưng lại không biết nên nói hay không nói chuyện gì, hệt như Đào Tử đối với cô.

Câu nói xưa cũ vẫn đúng, con cái lớn lên, mỗi đứa một tâm tư.

Trong phút chốc cả hai cùng im lặng. Lần đầu tiên trong bao năm qua hai cô bạn thân lặng lẽ nhìn nhau. May sao tiếng chuông di động bỗng reo lên.

Na Lan nhìn di động, một số máy lạ.

“Khuya thế này mạo muội làm phiền, rất xin lỗi nhé!” Giọng nghe quen quen. Na Lan sửng sốt. Cô đã nhớ ra, đây là giọng Khám Cửu Kha trợ lý của Quảng Cảnh Huy.

Quảng Cảnh Huy là một ông già bí hiểm ở tít tận Quảng Đông, Quảng Diệc Tuệ là cô con gái duy nhất rất được ông nâng niu, mấy năm trước đã chết thê thảm ở Giang Kinh. Na Lan phải trải qua bao biến cố gian nan để khám phá bí ẩn sau cái chết của cô ta, lật mặt hung thủ, cũng vì thế mà cô quen Quảng Cảnh Huy. Ông già cô độc dần chuyển tình thương yêu cô con gái sang Na Lan, coi cô như con đẻ. Na Lan có phần mất tự nhiên nhưng rất xúc động trước cảnh ngộ của ông, thỉnh thoảng vẫn liên lạc và an ủi ông.

Vì Quảng Diệc Tuệ đã “hạ mình” lấy nhà văn Tần Hoài tầm tầm, sau đó cô gặp nạn, cho nên ông Quảng Cảnh Huy vẫn không thể tha thứ cho Tần Hoài đã đem vận đen đến cho con gái ông. Về sau, Tần Hoài có chút quan hệ tình cảm với Na Lan rồi bỏ đi Lĩnh Nam, Quảng Cảnh Huy liền lặng lẽ và tự nguyện giám sát mọi hành vi của Tần Hoài.

Khám Cửu Kha là tâm phúc của Quảng Cảnh Huy suốt hai mươi năm qua, Na Lan quen anh ta chưa đầy một năm nhưng vẫn nhận ra đó là con người tinh nhanh tháo vát và cũng rất kín đáo. Đang đêm gọi điện đến, chắc không phải để nói những chuyện bình thường.

“Chào anh Cửu.” Na Lan biết các thuộc hạ của ông Quảng Cảnh Huy thường gọi anh ta như thế. “Ông cụ vẫn ổn cả chứ?” Ông Quảng Cảnh Huy tuổi đã cao, người không được khỏe.

“Vẫn ổn… vẫn ổn.” Giọng Khám Cửu Kha hơi do dự. Không hiểu sao Na Lan bỗng nhớ đến câu nói hơi gượng gạo của Sở Hoài Sơn “không cầu hoàn mỹ chỉ cầu vẫn ổn”. Khám Cửu Kha lại hỏi, “Cô không biết chuyện thật à?”

Na Lan giật mình vì câu nói rất đột ngột! Một linh cảm chẳng lành kéo đến. “Biết về gì?”

“Tôi có nhắn tin riêng cho cô trên weibo.” Thế giới tuy rộng lớn, nhưng có weibo thì hết chỗ trốn. “Về chuyện Tần Hoài.”

Cô mở xem. Là một clip trên mạng Tudou[1], có tiêu đề Tiểu thuyết gia kinh dị Tần Hoài cắt tóc đi tu (quay lén). Số lượt xem đã vượt quá con số trăm ngàn.

[1] Một trang phim online của Trung quốc.

Tần Hoài xuất gia. Đoạn tuyệt tóc xanh, đoạn tuyệt tơ tình.

Na Lan vốn nghĩ chỉ trong tiểu thuyết võ hiệp mới có cái chuyện hão huyền như trò đùa này, đến khi trò đùa rơi ngay xuống đầu mình thì cô mới biết thực tế không bao giờ lãng mạn như trong tiểu thuyết, trái lại, rất tàn khốc. Còn nhớ năm ngoái thầy trò Quảng Cảnh Huy và Khám Cửu Kha cho cô biết Tần Hoài giao du với một vị cao tăng ở Quảng Châu, và bắt đầu học kinh Phật. Từ đó đến nay đã loại bỏ được lục căn[2] thì cũng hợp lẽ thôi.

[2] Lục căn, tức sáu cơ quan cảm giác nhận thức của con người, gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, xúc giác, suy nghĩ.

Đôi mắt cô ươn ướt. Cũng hợp lẽ.

Rốt cuộc Tần Hoài vẫn không thể gỡ bỏ được nỗi nhớ người vợ Quảng Diệc Tuệ và sự cắn rứt trong lòng. Anh là con người rất chân tình. Cô không thể làm gì khác.

Cốc Y Dương rồi Tần Hoài lần lượt đi xa, để lại mình cô trăn trở khốn khổ trong cõi hồng trần, xoay xở ứng phó giữa đám người tối tăm.

Qua điện thoại, Khám Cửu Kha còn nói mấy câu nữa, nhằm giải thích, rằng nghi thức cắt tóc là chuyện rất riêng tư, thế mà có kẻ hiếu sự quay lén, hỏi cô có cần điều tra xem kẻ đó là ai không. Nhưng Na Lan đôi mắt nhòa lệ và đôi tai như như ù đi, chỉ biết nức nở mà thôi.

Cũng chẳng biết cuộc gọi ngắt từ lúc nào, cô vẫn ngồi ngây ngẩn, tay cầm di động nhìn ra ngoài khung cửa sổ u ám như cõi lòng cô lúc này.

Một đôi tay ôm chặt Na Lan. Đó là Đào Tử. Bây giờ Na Lan mới hiểu ra, lúc nãy Đào Tử vội tắt máy tính là vì nhìn thấy cái clip kia. Có lẽ câu hỏi “cô vẫn ổn chứ” của Sở Hoài Sơn cũng là do anh ta đã xem nó, rồi muốn thăm dò tâm trạng của cô. Hình như cả xã hội đều biết cái điều bí mật gắn liền với cô này, chỉ riêng cô là không hay biết. Nhưng ít ra “những người tốt bụng” đều không láu táu mà tag cô vào!

Đào Tử khẽ nói, “Thực ra mình nghĩ rằng, Tần Hoài làm thế là rất có trách nhiệm với cậu, anh ấy không thể thực hiện lời hứa thì chỉ còn cách buông xuôi.”

Buông xuôi. Để cô rơi xuống vực sâu.

Suốt đêm nằm mơ, mơ thấy Tần Hoài, Cốc Y Dương, những cái xác nổi trên mặt hồ Chiêu Dương, hai cánh tay đang quạt nước, rừng thông phủ đầy tuyết, bạn đồng hành gục ngã, xe chạy trên tuyết phóng từ vách núi cao bay lượn như chim ưng, cô gái trong hố chôn, những ngón tay tuyệt vọng cầu xin, những ngón tay đứt lìa, và bóng tối vô tận.

Sáng sớm hôm sau Na Lan hầu như không dậy nổi nữa. Không ngủ được, cũng không thể dậy, cùng tấn công cô.

Đào Tử đã rửa mặt chải đầu xong xuôi, đứng bên giường Na Lan nói, “Cậu phải…”

“Phải làm một việc gì đó.” Na Lan tiếp lời.

“Cảm ơn trời đất, IQ của cậu vẫn còn nhiều lắm!”

“Cảm ơn cậu không nhắc đến chỉ số EQ của tớ.”

“Cậu định làm việc gì?” Đào Tử cố kéo Na Lan ra khỏi giường. “Lấy độc trị độc, chúng ta sẽ bắt đầu từ việc đi tìm anh chàng ấy.”

Ý tưởng này đã thức tỉnh Na Lan, cô nói, “Gần đây mình đặc biệt hứng thú với những gã đẹp trai già khú đế, nhất là gã sắp đứt hơi.” Cô ngồi lên. Chóng mặt quá!

Nhưng cô không đi tìm gã nào cả, cô đi gặp Đổng Bội Luân. Lại đi quấy rầy Đổng Bội Luân là hạ sách, Na Lan vốn không thích một việc gì đó phải làm hai ba lần, nên cô có cảm giác bị Mễ Trị Văn đẩy vào ngõ cụt, vụ việc ba năm trước xảy ra với Đổng Bội Luân chứa đựng nhiều điều khó nói, không thể gặp một lần đã rõ ràng hết được. Cô không muốn bỏ qua cái manh mối đầy rắc rối này.

Đổng Bội Luân là người biết giữ lời hứa, và đã từng nói, cảnh cửa văn phòng chị luôn rộng mở với Na Lan. Na Lan vừa đến tiền sảnh thì người thư ký đã nói luôn, “Mời vào! Giám đốc đã dặn chúng tôi rằng cô nhất định sẽ lại đến. Tôi vào thông báo để giám đốc thu xếp thời gian.”

Đổng Bội Luân đang họp qua điện thoại, trong phòng họp còn có mười mấy cán bộ quản lý cao cấp và các kỹ thuật viên nòng cốt. Na Lan chờ hơn mười phút thì cuộc họp kết thúc.

Trong phòng làm việc của Đổng Bội Luân.

“Tại sao cô nói là em nhất định sẽ còn đến nữa?”

“Vì em không may rơi vào trò chơi quái đản của Mễ Trị Văn.” Không cần nghĩ ngợi, Đổng Bội Luân chọc thẳng vào khối u nhức nhối của Na Lan. “Lão đưa ra tín hiệu bí hiểm, cho em hy vọng sẽ phá được vụ án, nhưng vẫn giữ lại một nghìn % cảm giác bí hiểm khiến em hết sức hiếu kỳ, muốn lột mặt nạ của lão, tìm hiểu về lão, nhưng dù cố gắng đến mấy em vẫn cứ như lạc vào một màn sương dày đặc nghẹt thở.” Đổng Bội Luân chỉ bầu trời đang xám xịt nặng nề ngoài cửa sổ. Kể từ sáng sớm hôm nay một màn sương xam xám vàng vọt bỗng bao phủ Giang Kinh, một thảm họa môi trường. “Sương dày đặc thế kia, có lẽ tôi phải nghỉ điều trị ngày mai cũng nên.” Đổng Bội Luân nhích xe lăn ra sau bàn làm việc rồi hỏi, “Này, cụ thể em định hỏi điều gì? Tôi không đoán ra và cũng chẳng muốn đoán nữa.”

“Có phải lão cũng từng chơi trò chơi tương tự với cô không?” Na Lan vào đề luôn, cô đang nóng lòng muốn biết điều này.

Trong một khoảnh khắc, Na Lan dường như thấy sắc mặt Đổng Bội Luân cũng xám lại tựa bầu trời ngoài cửa, nhưng vẻ hồng hào và nụ cười ung dung cũng lập tức hiện ra thay thế. “Xem ra em ngày càng giống tôi, giống tôi hồi trẻ. Nhưng, mong sao em đừng có kết cục như tôi.”

“Cô nói đúng ạ.” Na Lan đang bí không biết nên nói thế nào cho thỏa đáng. “Mễ Trị Văn giống như mắc chứng đa nhân cách, lúc thì hão huyền xa xôi, lúc thì quá ư tầm thường, lúc khác lại thâm thúy kinh khủng. Thực ra lão ta là người như thế nào?”

“Vì tôi là nạn nhân trực tiếp nên tôi hiểu Mễ Trị Văn hơn người khác.”

“Cô không chỉ là nạn nhân, đúng không? Trong lời khai với công an, cô nói không hề giao lưu gì với ông ta. Em đã đọc hồ sơ bệnh án và biên bản phạm tội của Mễ Trị Văn, thì nhiều năm về trước lão từng mắc bệnh hoang tưởng được yêu, thích rêu rao rằng quen biết nạn nhân từ lâu, thậm chí có quan hệ yêu đương. Nhưng những lần gây án về sau đều bất thành rồi bị bắt, lão không nói như trước nữa, tựa hồ đã tự biết mình, biết rằng dù nói thế cũng chẳng ai tin. Cho nên em vẫn ngờ ngợ không rõ cô có quen ông ta không.”

“Ý em là tôi đã nói dối cảnh sát chứ gì?”

“Tình thế và trạng thái của cô lúc đó… cô đang sốc, nếu cô lựa chọn hãy quên đi thì cũng là chuyện thường tình. Chính em sau cú sốc cách đây không lâu, khi trình bày với cảnh sát em cũng bị coi là nói dối vô số.” Na Lan định nói chắc bà chị không biết tôi rất bi đát, tôi đã từng trải kha khá.

Đổng Bội Luân im lặng một lát. “Em đoán bằng trực giác chứ gì? Về chuyện tôi có quen Mễ Trị Văn hay không…”

“Trong đám sách tham khảo để tạo chữ đặt ở đầu giường Mễ Trị Văn, có một cuốn nhạc phổ cổ, các ký tự dùng để ghi nhạc trông rất kỳ quái. Còn ở chỗ cô thì có một cây đàn tranh, liệu có phải ngẫu nhiên không?”

“Mễ Trị Văn từng dạy tôi chơi đàn tranh.” Lần này Đổng Bội Luân trả lời ngay không do dự.

“Rồi sao nữa ạ?” Na Lan hỏi.

“Về sau ra sao thì em biết rồi. Dù chưa biết thì em cũng có thể suy luận được đấy.”

“Em vẫn chưa hiểu…”

“Có những chuyện không thể nói quá rõ. Nhưng chí ít em hãy yên tâm, rằng tôi bảo lãnh cho lão điều trị tại ngoại không phải để mời lão dạy đàn tiếp.” Đổng Bội Luân lại nhìn sắc trời xám xịt ngoài cửa sổ. “Tôi sẽ bảo thư ký gọi taxi cho em, thời tiết hôm nay đừng nên ló mặt ra ngoài.”

Chương 16: Truy tìm bí mật

Mễ Trị Văn gây án cưỡng dâm bất thành lần đầu cách đây 28 năm. Nạn nhân là Thôi Dụ Hồng, hồng nhan bạc mệnh, chưa đến bốn mươi tuổi đã ung thư vú rồi qua đời. Nạn nhân thứ hai là Lý Tĩnh, cách đây 22 năm, sau ngày bị hại ít lâu đã sang Mỹ du học rồi ở lại định cư, đoạn tuyệt với quá khứ đau lòng. Nạn nhân thứ ba là Vu Ninh, bị hại cách đây 17 năm, sau đó mắc chứng trầm cảm chưa điều trị được thì đã tự sát. Đây là những tư liệu mà Sở Hoài Sơn thu thập được, ngoài Đổng Bội Luân còn có hai nạn nhân nữa nhưng không tra ra được. Na Lan nhờ Sở Hoài Sơn giúp đỡ vì cô muốn tránh tiếp xúc nhiều với Kim Thạc, mỗi lần xin phê chuẩn cô có cảm giác mình mắc nợ anh ta, sẽ thêm áp lực phải trả nợ bằng chuyến đi Bắc Kinh sau này.

Hai người trao đổi qua weibo.

Sao anh lại tra ra được? Na Lan hỏi.

Sở Hoài Sơn: Nhờ phóng viên Tin chiều Tân Giang.

Na Lan: Người không ra khỏi nhà như anh, sao lại quen được phóng viên?

Sở Hoài Sơn: Tôi phục vụ Bộ Công an, đôi khi cũng phục vụ cánh phóng viên.

Na Lan bây giờ mới nhớ ra anh ta là cao nhân, tháo vát quá thì nhọc thân.

Sở Hoài Sơn: Mấy vụ án đó, tờ báo ấy đăng đầy đủ, có cả thông tin về người bị hại.

Na Lan: Nếu anh Ba Du Sinh còn làm thì đã không phiền đến anh.

Sở Hoài Sơn: Không sao. Chúc cô điều tra thuận lợi.

Nạn nhân có thể điều tra, giờ chỉ còn Vu Ninh. Sở Hoài Sơn cho biết cách thức liên lạc với cha mẹ Vu Ninh. Na Lan ngồi ngây đờ trước máy tính. Nói vậy thôi, chứ đầu óc đang lên kế hoạch liên lạc với cha mẹ Vu Ninh, gặp gỡ ra sao, hỏi han những gì… Nhắc đến Vu Ninh liệu họ đau xót đến đâu? Tại sao mình lại tàn nhẫn thế nay?

Tất cả cũng chỉ vì câu nói của Mễ Trị Văn, vụ án “ngón tay khăn máu” sẽ còn tiếp diễn.

Sương mù bao phủ Giang Kinh suốt ngày nên lúc hoàng hôn thì trời đã đen kịt như đêm khuya. Na Lan đeo khẩu trang, tiến vào bóng tối nặng nề.

Cô không báo trước cho cha mẹ Vu Ninh, sợ bị họ từ chối thì lần sau sẽ càng khó gặp. Cô cũng không định nói những điều khiến hai ông bà già đau buồn mà chỉ hỏi những vấn đề có vẻ chắc ăn.

Bà mẹ Vu Ninh ra mở cửa. Na Lan là người lạ, nhưng dáng vẻ và trang phục của cô sẽ không khiến họ phải cảnh giác. Bà già ăn mặc giản dị, khuôn mặt hiền hòa, giọng nói ân cần, “Cháu muốn tìm ai?”

Nhìn vẻ mặt hiền từ của bà, Na Lan cảm thấy không nỡ khiến bà phải khổ tâm cô định nói “Cháu nhầm nhà” để rút lui, nhưng bà lại mở rộng cửa, bật đèn, khẽ kêu lên, “Cô là nghiên cứu sinh, hỗ trợ cảnh sát phá án phải không?”

Sau “vụ án năm xác chết”, báo chí Giang Kinh đã có bài viết về Na Lan, khiến cô đến trường cũng ngại, lúc nào cũng thấy người ta thì thầm và nhìn cô bằng ánh mắt là lạ. Không ngờ đến tận hôm nay, ở một khu vực lạ hoắc, vẫn bị một bà lão nhận ra. Bà bước lại gần hơn, ngắm nhìn Na Lan rồi nói, “Đúng là cô! Tôi nhớ rất chuẩn, không thể nhầm được…” Hình như sực nhớ ra điều gì, sắc mặt bà thay đổi, “Chắc không phải cô đến…”

Na Lan nghĩ, bà đã đoán ra ít nhiều, thì cũng tốt, mình đỡ phải tự giới thiệu.

“Cháu là Na Lan…” Cô hơi do dự. “Nếu bác không ngại… cháu muốn hỏi vài điều… chuyện của chị Vu Ninh,”

“Thế thì cháu phải thất vọng rồi.” Bà thở dài.

Na Lan sững người. Bà đã sẵn sàng từ chối?

“Bác ạ, cháu…”

“Tôi không có ý xua cháu đi, nhưng tôi cho rằng cháu đã hiểu lầm rồi. Là Ninh Ninh chán sống, mắc chứng trầm cảm một thời gian, tôi đã khuyên nhủ nó mãi nhưng không được.” Bà lại thở dài, rồi đưa ống tay áo lên chấm nước mắt. Bà bảo Na Lan vào nhà ngồi, rồi lặng người không nói được nữa.

Na Lan bước vào, nhanh tay khép luôn cửa vì sợ sương giá tràn vào nhà.

“Cháu thực tình không muốn nhắc đến chuyện của chị Vu Ninh khiến bác phải buồn. Nhưng vì có liên quan đến một vụ án khác…”

Bà hơi sửng sốt, chứng tỏ tư duy vẫn rất nhanh nhẹn. Bà gật đầu như đã hiểu ra, rồi lại lắc đầu, “Chắc cháu nói về thằng cha mất hết tính người ấy?” Bà liên tưởng đến Mễ Trị Văn.

Na Lan nói, “Nếu bác không tiện nói về lão...”

“Có gì mà tiện hay không tiện? Hắn là kẻ bệnh hoạn, một thằng điên! Ninh Ninh nhà này xấu số nên gặp phải kẻ ấy.” Bà trào nước mắt.

Na Lan định im lặng, nhưng rồi lại đánh liều hỏi, “Bác nói gặp phải nghĩa là sao ạ? Cháu được biết biên bản ghi chép về vụ án là, Vu Ninh học năm thứ ba Đại học Tài chính Kinh doanh, tham gia hoạt động đoàn thể rồi quen Mễ Trị Văn, xem ra là việc ngẫu nhiên.” Có lẽ Na Lan là người cuối cùng trên đời này tin ở sự kiện ngẫu nhiên.

Nhưng khi số phận đã bỡn cợt con người thì có thể còn bao nhiêu việc tuân theo các quy tắc khoa học nữa đây?

Bà mẹ Vu Ninh hỏi lại cô, “Cháu đã biết những gì về chuyện của Ninh Ninh?”

“Cháu chỉ biết đại khái đến thế.” Đúng là Na Lan đã thuộc lòng các tư liệu mà Sở Hoài Sơn tra cứu được. “Và còn một điều nữa, ngày trước từng có bài báo viết, bạn bè nhớ lại rằng Vu Ninh là một hạt nhân văn nghệ của trường, hát hay múa đẹp.”

“Nó còn biết chơi nhạc cụ dân tộc, đàn cổ, đàn tranh, đàn tỳ bà… đều biết ít nhiều.” Bà nhẹ nhàng nói.

Na Lan đã nhận ra mối liên hệ, “Mễ Trị Văn biết chơi nhạc cụ dân tộc?” Cô cũng nghe nói cách gảy cổ cầm và đàn tranh na ná nhau, biết một thứ là sẽ biết cả.

“Không chỉ biết chơi, mà hắn còn chơi rất hay.” Bà mẹ hít vào một hơi dài. “Cho nên hắn trở thành thầy dạy cổ cầm cho Vu Ninh.”

Lại là một tình tiết chưa ai biết, hệt như chuyện của Đổng Bội Luân.

Na Lan thốt lên, “Lão thực bỉ ổi! Lợi dụng việc dạy đàn để làm càn.”

Bà mẹ Vu Ninh tư lự mất một lúc, “Phải nói là… thằng cha ấy vô cùng bệnh hoạn, nhưng… chuyện này chúng tôi chưa từng nói với ai, hôm nay thật khác thường, lần đầu tiên kể với cháu. Chẳng biết ma xui quỷ khiến ra sao, Vu Ninh tự dưng… thích thằng cha Mễ Trị Văn!”

Vu Ninh đang tuổi hoa rực rỡ, có cảm tình với một gã trung niên khô cằn rồi bị hắn cưỡng bức nhưng chưa thành? Đây là cái logic gì vậy? Na Lan nhớ đến bệnh án thần kinh của Mễ Trị Văn, lão rêu rao rằng các nạn nhân ấy và lão đều có mối gắn kết đồng điệu tâm hồn, thậm chí là có quan hệ yêu đương, thoạt đọc sẽ coi là những lời điên rồ, nếu bà mẹ Vu Ninh nói đúng, thì tức là Mễ Trị Văn đã nói thật?

Na Lan dường như nghe thấy tiếng cười khẩy bất cần của lão, tôi có nói dối bao giờ đâu? Chính cô dựa vào cái chữ có được do linh cảm của tôi rồi tìm thấy hài cốt của Nghê Phượng Anh đấy thôi!

Đổng Bội Luân thì sao? Hay cũng là câu chuyện giống thế này?!

Na Lan tưởng tượng cảnh Đổng Bội Luân thông minh trong sáng, nõn nà như tiên nữ nhưng lại yêu lão ma nhập Mễ Trị Văn, cô vội lấy khẩu trang ra đeo, hình như sợ tâm trí mình bị sương giá độc hại xâm nhập rồi lú lẫn không biết đúng sai là gì nữa.

Nhưng, tại sao Mễ Trị Văn lại làm hại những cô gái mà trái tim đã thuộc về lão? Tại sao lão lại phải làm hại những người mà lão nói là có tâm hồn đồng điệu với mình?

Làm thế nào để nhìn rõ toàn bộ diện mạo của Mễ Trị Văn?

Ngồi trên tàu điện ngầm, Na Lan nhắn tin cho Sở Hoài Sơn: Càng tin Mễ Trị Văn không phải là hung thủ vụ án “ngón tay khăn máu”, tôi càng cảm thấy lão bí hiểm khó lường. Tại sao lão lại biết vị trí hài cốt của nạn nhân? Nếu lão không phải thần tiên thì chắc chắn có người nói cho lão biết. Cho nên việc cấp bách nhất là phải tìm ra tên sát thủ vẫn nhởn nhơ ngoài xã hội. Tuy không biết Mễ Trị Văn đã quen kẻ ấy từ khi nào, nhưng loạt vụ án “ngón tay khăn máu” đã trải suốt ba mươi năm, cả hai có thể là cố nhân lâu năm, cần tìm hiểu về lai lịch Mễ Trị Văn để từ đó lần ra tên bạn cũ của lão.

Tin nhắn tràng giang đại hải, nhưng Sở Hoài Sơn chỉ đáp lại hết sức ngắn gọn: Lai lịch Mễ Trị Văn, một con số 0.

Na Lan thở dài. Không có một thông tin nào về tiền sử lai lịch Mễ Trị Văn. Chẳng phải là tin mới. Ba Du Sinh cũng từng nói thế, đây là một trong những khó khăn của vụ án. Na Lan ngao ngán. Lẽ nào bế tắc hoàn toàn rồi?

Cô lại bấm bàn phím: Lẽ nào không có cách gì?

Sở Hoài Sơn: Đã nghe nói đến dốc Mễ Lung chưa?

Dốc Mễ Lung, Mễ Trị Văn. Giữa hai chữ này có liên quan gì chăng?

Dốc Mễ Lung ở ngoại thành phía bắc Giang Kinh, là một địa danh mang tính tiêu biểu cho thành phố này. Nhờ phát hiện di tích một nền văn minh cổ xưa ở đây mà Mễ Lung trở thành một thánh địa khảo cổ học nổi tiếng cả nước. Vùng đất chứa đựng bề dày lịch sử này có quan hệ sâu xa ra sao với lão già đậm đặc tà khí từ đầu đến chân như Mễ Trị Văn?

Sở Hoài Sơn lại nhắn thêm một tin nữa: Có biết xuất xứ của cái tên dốc Mễ Lung không?

Na Lan không phải là dân Giang Kinh chính gốc, nhưng cũng từng tham quan di tích Mễ Lung và có nghe về nguồn gốc cái tên này. Dốc Mễ Lung đối diện với sông Thanh An chín khúc, gọi là “dốc” nhưng thực ra chỉ là một khoảnh đất phẳng, hiền hòa, địa thế hơi cao hơn đồng bằng bên dưới, ở giữa có hai dốc nhỏ gồ lên. Người thời cổ định cư trên dốc này và trồng trọt chăn nuôi ở dưới thấp, như thế, dù sông Thanh An nước dâng họ cũng vẫn an toàn. Vào mùa nước nổi, nước sông tràn lên chỗ cao, người thời cổ liền đắp “lung”, tức là be bờ xung quanh để trữ nước lại, tiếp tục trồng lúa trên đó, dần dà hình thành cái tên dốc Mễ Lung. Về sau, dụng cụ dùng để xay thóc được chế tạo ở đây, quan cai trị địa phương lại lấy tên Mễ Lung đặt luôn cho nó, bởi vậy Mễ Lung còn có nghĩa là “cối xay thóc”.

Sở Hoài Sơn: Còn có một lai lịch khác về dốc Mễ Lung, liên quan đến họa sĩ Mễ Thị thời Bắc Tống. Về già, ông Mễ Thị định cư ở Giang Nam, thế hệ con cháu thì dần dà lưu lạc bốn phương để tránh chiến loạn, họ di cư đến ngoại thành Giang Kinh, sinh sống ở dốc Mễ Lung bấy giờ đã vắng bóng người. Nơi này phong thủy tốt, đất đai màu mỡ, dần phát triển đông đúc, phồn vinh. Họ đặt tên khu vực này là thôn Mễ Gia, về sau có thêm rất nhiều người họ khác đến cư trú, bèn đổi là thôn Mễ Lung, dân chúng thành Giang Kinh hễ nhắc đến rẻo đất cao cao ấy, lại gọi luôn là dốc Mễ Lung.

Tin nhắn khá dài, khiến Na Lan chìm trong suy nghĩ.

Thôn Mễ Gia có còn không?

Có thể là do gen di truyền của Mễ Thị, hoặc do bầu không khí ham học được duy trì tốt đẹp, bao năm qua thôn Mễ Gia đã xuất hiện rất nhiều tú tài cử nhân, có người lên kinh thành và các nơi khác làm quan, nên dân cư thưa dần. Thời kháng chiến, Giang Kinh rơi vào cảnh rối loạn, trong thành có tô giới Anh, Pháp nên thành phố biến thành cô đảo, ngoại thành thì bị gót sắt của quân Nhật giày xéo, thôn Mễ Lung cũng không ngoại lệ, người chết người bỏ trốn. Cho đến khi chiến tranh kết thúc mới có một số dân họ Mễ trở lại cố hương, Mễ Lung lúc này đã đổ nát tàn tạ. Tuy nhiên vẫn có vài gia đình họ Mễ chính tông dựng lại nhà cửa trên nền đất cũ của thôn Mễ Lung. Mễ Trị Văn sinh ra trong một xóm nhỏ đằng sau dốc Mễ Lung.

Na Lan cố hồi tưởng hình ảnh di tích dốc Mễ Lung mà cô từng tham quan, nhưng không thể nhớ ra cái xóm nhỏ đằng sau dốc. Sở Hoài Sơn nói, sau những năm 80 của thời kỳ trước dốc Mễ Lung được coi là di tích khảo cổ cấp quốc gia, thì vài hộ còn sót lại trong thôn được chính quyền cho di dời vào nội thành Giang Kinh ở.

Na Lan: Tôi đã đọc mọi tư liệu về Mễ Trị Văn, không thấy nhắc đến nơi sinh của lão, sao anh biết lão ra đời ở thôn Mễ Lung?

Sở Hoài Sơn: Tôi đoán.

Na Lan: Anh nói rõ hơn được không?

Sở Hoài Sơn: Chắc cô biết mấy địa điểm mà Mễ Trị Văn từng gây án?

Na Lan: Rải rác ở vài khu, huyện của Giang Kinh, không nhận ra có quy luật gì.

Sở Hoài Sơn: Đánh dấu trên bản đồ, sẽ nhận ra quy luật.

Anh lập tức gửi cho Na Lan sơ đồ nội ngoại thành Giang Kinh. Vậy là anh đã nghiên cứu từ lâu. Các địa điểm Mễ Trị Văn gây án đánh dấu + đỏ, nối liền bảy dấu đỏ này được một đường thẳng!

Nếu kéo dài đoạn thẳng ấy thì nó sẽ đi xuyên qua dốc Mễ Lung!

Sở Hoài Sơn: Cô là chuyên gia tâm lý, phải thạo hơn kẻ ngoại đạo là tôi. Mễ Trị Văn làm thế dù có ý thức hay không thì vẫn toát ra một điều, dốc Mễ Lung rất quan trọng đối với lão.

Na Lan ngẫm nghĩ, nếu đúng là thế thì rất có thể xóm nhỏ bỏ hoang sau dốc Mễ Lung sẽ lưu lại dấu vết thời thơ ấu của Mễ Trị Văn. Dù chưa chắc chắn liên quan trực tiếp đến tên hung thủ thực sự kia, thì ít ra cũng là điểm xuất phát để đi sâu tìm hiểu.

Na Lan: Tôi sẽ đến đó ngay.

Sở Hoài Sơn rất kinh ngạc: Thời tiết này, cô đi ngay bây giờ ư?

Na Lan nhìn ra, trời đã tối mịt, đèn phố mờ ảo trong màn sương dày đặc, cô hiểu rằng mình quá hấp tấp. Để ngày mai vậy!

Nhưng hôm sau vẫn là sương mù nặng trĩu. Các chuyên gia nói bầu khí quyển bị ô nhiễm nặng nên sương độc còn tiếp tục hành hạ dân Giang Kinh từ ba ngày cho đến một tuần nữa. Không thể chờ đến ngày trời đẹp, hết giờ lên lớp buổi sáng Na Lan ngồi tàu điện ngầm tuyến số 6 đi dốc Mễ Lung.
Phan_1
Phan_2
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_8
Phan_9
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_14
Phan_15
Phan_16
Phan_17
Phan_18
Phan_19
Phan_20
Phan_21
Phan_22
Phan_23
Phan_24
Phan_25
Phan_26
Phan_27 end
Phan_Gioi_Thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .
Disneyland 1972 Love the old s